26/02/2020

“Anh em ngu muội như thế sao?” (Mc 7,18) Lời này nói gì với độc giả?



Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 26 tháng 02 năm 2020.


Nội dung
Dẫn nhập
    1. “Người ở trong”, “kẻ ở ngoài” (4,11)
        a) Bối cảnh đoạn văn 4,10-12
        b) “Những người kia là những kẻ ở ngoài” (4,11b)
    2. “Điểm yếu” của các môn đệ
        a) Không hiểu (4,13)
        b) Nhát đảm, chưa có lòng tin (4,40)
        c) Ngu muội, không hiểu (7,18)
        d) Chai đá, có mắt không thấy, có tai không nghe (8,18)
    3. Hành trình “đi xuống” của Phê-rô, Tông Đồ trưởng
        a) “Hãy đi sau Thầy, Xa-tan” (8,33)
        b) Quả quyết không chối nhưng lại chối Thầy
    4. Môn đệ bị đưa ra “bên ngoài” để độc giả vào được “bên trong”
Kết luận



Dẫn nhập

Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ từ những chương đầu tiên (ch. 1–2): Si-môn và An-rê (1,16-18); Gia-cô-bê và Gio-an (1,19-20); Lê-vi (2,14). Sau đó Người thiết lập Nhóm Mười Hai (3,13-19) “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (3,14). Theo mạch văn, Mc 4,11 đánh dấu bước tiến triển mới. Sau khi Đức Giê-su giảng dạy đám đông bằng dụ ngôn gieo giống, Người nói với các môn đệ: “Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được ban cho anh em; nhưng những người kia là những kẻ ở ngoài, thì mọi sự xảy đến trong dụ ngôn” (4,11). Như thế, các môn đệ được Đức Giê-su đưa “vào trong”, các ông được Đức Giê-su tuyển chọn và huấn luyện để sai đi rao giảng (3,14).

Nhưng độc giả ngạc nhiên vì nhận thấy càng về cuối Tin Mừng các môn đệ càng không hiểu Đức Giê-su. Người đã trách các môn đệ “nặng lời”: “ngu muội”, “không hiểu”, “không biết” nhất là các môn đệ là người “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (8,18). Tại sao nhóm nhân vật các môn đệ lại được trình bày theo chiều hướng “thụt lùi” như vậy? Tại sao Đức Giê-su lại “nặng lời” với những kẻ được chọn đến thế?

Khi Tin Mừng Mác-cô được viết ra cuối thập niên 60 (khoảng năm 67–69), Nhóm Mười Hai đã là cột trụ trong Hội Thánh. Cùng với Phê-rô và Phao-lô, tất cả các Tông Đồ đã xác tín niềm tin vào Đức Giê-su và ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Các ngài đã can đảm làm chứng cho Tin Mừng và đã trung tín với Đức Giê-su cho đến chết. Vậy, câu chuyện về sự “ngu muội” của các môn đệ trong Tin Mừng Mác-cô có ý nghĩa gì?

Tin Mừng Mác-cô được viết ra cho cộng đoàn vào cuối thế kỷ I, qua nhân vật các môn đệ, tác giả gửi đến độc giả một sứ điệp. Phải chăng sự cứng lòng tin của các môn đệ gợi đến tình trạng cứng lòng tin của cộng đoàn Mác-cô và của độc giả? Chúng ta cùng tìm hiểu “mặt tối” của nhóm các môn đệ trong Tin Mừng (cứng lòng, không biết, không hiểu) để may ra độc giả được “sáng lên” chăng? (tin, biết, hiểu…). Hành trình “tụt dốc” của các môn đệ trong Mác-cô được phân tích qua 4 mục: (1) “người ở trong”, “kẻ ở ngoài” (4,11); (2) “điểm yếu” của các môn đệ; (3) hành trình “đi xuống” của Phê-rô, Tông Đồ trưởng; (4) môn đệ bị đưa ra “bên ngoài” để độc giả vào được “bên trong”.

    1. “Người ở trong”, “kẻ ở ngoài” (4,11)

Phân biệt “người ở trong”, “kẻ ở ngoài” được nói đến ở 4,11, phần sau trình bày hai điểm: (a) bối cảnh đoạn văn 4,10-12 và (b) lời Đức Giê-su ở 4,11b: “Những người kia là những kẻ ở ngoài.”

        a) Bối cảnh đoạn văn 4,10-12

Theo Tin Mừng Mác-cô, kể từ 4,11-12, các môn đệ là “những người ở trong”. Thực vậy, sau khi Đức Giê-su giảng dạy đám đông (có các môn đệ hiện diện) dụ ngôn gieo giống (Mc 4,1-9), người thuật chuyện tạm ngưng thuật lại việc giảng dạy đám đông để cho độc giả biết những gì Đức Giê-su nói riêng với các môn đệ và những kẻ ở chung quanh Người (không có đám đông dân chúng). Người thuật chuyện kể ở Mc 4,10-12: “10 Khi Người ở một mình, những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai, hỏi Người về các dụ ngôn. 11 Người nói với họ: ‘Mầu nhiệm Vương Quốc Thiên Chúa được ban cho anh em; nhưng những người kia là những kẻ ở ngoài thì mọi sự xảy đến trong các dụ ngôn, 12 để họ nhìn đi nhìn lại mà không thấy, nghe đi nghe lại mà không hiểu, kẻo họ trở lại và được tha thứ.’”

Đoạn văn Mc 4,10-12 là phần chuyển tiếp giữa dụ ngôn gieo giống (4,1-9) và áp dụng dụ ngôn (4,10-20). Đoạn văn 4,10-12 đặt trong khung cảnh Đức Giê-su ở một mình với “những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai” (4,10). Như thế, 4,10-12 ở ngoài khung cảnh giảng dạy dân chúng bằng dụ ngôn. Đoạn văn chèn vào từ 4,10 kéo dài đến 4,25, trong phần này dân chúng vắng mặt. Việc Đức Giê-su giảng dạy đám đông bằng dụ ngôn được tiếp nối ở 4,26-32. Trong ch. 4, phần Đức Giê-su giảng dạy dân chúng gồm ba dụ ngôn: Dụ ngôn gieo giống (4,1-9), dụ ngôn về đất tự sinh hoa trái (4,26-29) và dụ ngôn hạt cải (4,30-32). Phần chèn vào (4,10-25) nói riêng với Nhóm Mười Hai và những kẻ ở chung quanh Người gồm ba đoạn văn: áp dụng dụ ngôn gieo giống (4,10-20), hình ảnh cái đèn (4,21-23) và hình ảnh đấu đong (4,24-25).

Kiểu “hành văn chèn vào” này nhằm mục đích minh hoạ cho hoạt động của Đức Giê-su được nói đến trong phần tóm kết ở  ở Mc 4,33-34: “33 Với nhiều dụ ngôn tương tự, Người nói Lời cho họ theo như họ có thể nghe. 34 Người không nói với họ nếu không dùng dụ ngôn. Nhưng khi ở riêng, Người giải thích mọi điều cho các môn đệ của Người.” Như thế, công việc giảng dạy của Đức Giê-su gồm hai bước: (1) giảng dạy dân chúng bằng dụ ngôn và (2) giải thích cho các môn đệ các dụ ngôn đó khi ở riêng với các môn đệ. Xem các ví dụ về kiểu hành văn chèn vào trong bài viết: “Tác giả đối thoại với độc giả”.

        b) “Những người kia là những kẻ ở ngoài” (4,11b)

Câu hỏi đặt ra: Đại từ “anh em” (ngôi thứ hai số nhiều) tạm gọi là “những người ở trong” (4,11a) và những kẻ bản văn gọi là “những người kia là những kẻ ở ngoài” (4,11b) là ai? Ai là “những người ở trong”? Theo mạch văn, “những kẻ ở chung quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai” thì được ban cho “mầu nhiệm của Vương Quốc Thiên Chúa”, họ là “những người ở trong”. Còn “những kẻ ở ngoài” là đám đông dân chúng vì “mọi sự xảy đến trong dụ ngôn”. Đức Giê-su giảng dạy cho “những kẻ ở ngoài” bằng dụ ngôn, còn “những kẻ ở trong” thì được giải thích dụ ngôn (xem trích dẫn 4,33-34 trên đây).

Điều lạ trong Tin Mừng Mác-cô là “các môn đệ” là “những người ở trong”, những người được chọn, được Đức Giê-su huấn luyện cách đặc biệt. Nhưng càng về cuối Tin Mừng, các môn đệ càng “không hiểu”. Nếu như câu trích dẫn Cựu Ước ở Mc 4,12: “họ nhìn đi nhìn lại mà không thấy, nghe đi nghe lại mà không hiểu, kẻo họ trở lại và được tha thứ” áp dụng cho những kẻ ở ngoài thì Đức Giê-su nói điều này với các môn đệ ở 8,18a: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” Tại sao có sự đảo ngược này? Tại sao càng về cuối Tin Mừng, Đức Giê-su càng trách các môn đệ nặng lời hơn và về điều gì?

    2. “Điểm yếu” của các môn đệ

Theo mức độ ngày càng tăng, Đức Giê-su trách các môn đệ nhiều điều trong bốn điểm sau: (a) không hiểu (4,13); (b) nhát đảm, chưa có lòng tin (4,40); (c) ngu muội, không hiểu (7,18); (d) lòng chai đá, có mắt không thấy, có tai không nghe (8,17-18).

        a) Không hiểu (4,13)

Ngay trong ch. 4, vừa sau khi Đức Giê-su ban cho các môn đệ mầu nhiệm của Vương Quốc Thiên Chúa (4,11), Người nói về sự “thiếu hiểu biết” của các ông ở 4,13: “Anh em không hiểu biết (ouk oidate) dụ ngôn này (dụ ngôn gieo giống), thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?” Tiếp theo lời này là phần áp dụng dụ ngôn (4,14-20). Các môn đệ cần tiếp tục lắng nghe và học hỏi để hiểu giáo huấn của Đức Giê-su. Hơn nữa dụ ngôn gieo giống là chìa khoá để hiểu ý nghĩa tất cả các dụ ngôn khác. Câu hỏi tu từ mà Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 4,13 cũng là lời mời gọi độc giả tìm hiểu kỹ dụ ngôn gieo giống.

        b) Nhát đảm, chưa có lòng tin (4,40)

Đến cuối ch. 4, sự không hiểu biết trở nên trầm trọng hơn. Câu chuyện xảy ra khi Đức Giê-su và các môn đệ đi thuyền ngang qua Biển Hồ. Người thuật chuyện kể ở Mc 4,37-40: “37 Và xảy đến một trận cuồng phong lớn, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đã bị đầy nước. 38 Còn Người [Đức Giê-su], Người đang ở đàng lái, dựa vào chiếc gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói với Người: ‘Thưa Thầy, Thầy không lo là chúng ta chết sao?’ 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và Người nói với biển: ‘Im đi. Câm đi.’ Gió liền ngưng và biển hoàn toàn yên lặng. 40 Và Người bảo các ông: ‘Tại sao anh em nhát đảm (deiloi)? Anh em chưa có lòng tin sao (oupô ekhete pistin)?’”

Thật ra, trong hoàn cảnh nguy kịch như trên, phản ứng của các môn đệ là bình thường và dễ hiểu. Nhiều người đã và đang phản ứng như thế. Có thể các thành viên trong cộng đoàn Mác-cô và nhiều độc giả cũng đã và sẽ làm như vậy. Tuy nhiên Đức Giê-su muốn các môn đệ đi xa hơn, can đảm hơn và tin mạnh mẽ hơn.

Đối với độc giả có thể ghi nhận ba điều thú vị trong câu chuyện: (1) Trước hết, thấy gần gũi và đồng cảm với cách phản ứng của các môn đệ, có thể độc giả cũng sẽ kêu cứu như thế. (2) Thứ đến, bản văn đề cao nhân vật chính là Đức Giê-su với những nét tương phản mạnh mẽ: Ai có thể ngủ được trên thuyền giữa “trận cuồng phong lớn, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đã bị đầy nước”? (4,37) Chỉ có Người có quyền ra lệnh cho biển: “Im đi, câm đi” và “gió liền ngưng và biển hoàn toàn yên lặng” (4,39) mới ngủ được trong lúc đó. Vậy, trận cuồng phong ru Đức Giê-su ngủ thì lại là nguy tử đối với các môn đệ. Đáng lẽ thấy Đức Giê-su ngủ đã nhận ra được uy quyền của Người, chỉ cần lo tát nước khỏi thuyền! (3) Cuối cùng, câu chuyện muốn nói với độc giả rằng: có Đức Giê-su ở với mình thì dù trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh cũng không có gì phải hoảng hốt, sợ hãi, kêu la. Nếu không sẽ bị Đức Giê-su mắng: “Tại sao anh em nhát đảm? Anh em chưa có lòng tin sao?” Trình thuật mời gọi độc giả phản ứng khác với các môn đệ. Để  không bị quở trách như trên cần có hai điều: không “nhát đảm” và có “lòng tin” (4,40).

        c) Ngu muội, không hiểu (7,18)

Đến ch. 7, Đức Giê-su dạy đám đông và các môn đệ dụ ngôn liên quan đến điều làm cho con người ra ô uế, Người nói ở 7,15aKhông có cái gì từ bên ngoài con người vào trong người ấy mà có thể làm ô uế người ấy.” Người thuật chuyện kể tiếp ở 7,17-19: “17 Khi Người rời khỏi đám đông về nhà, các môn đệ của Người hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18 Người nói với các ông: ‘Phần anh em, anh em cũng ngu muội (asunetoi) như thế sao? Anh em không hiểu (ou noeite) rằng: Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm ô uế người ấy, 19 bởi vì nó không đi vào trong lòng người ấy, nhưng vào bụng và được thải ra ngoài? Vậy, mọi thức ăn đều thanh sạch.”

Đức Giê-su giải thích tiếp ở 7,20-23: “20 Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó làm ô uế con người. 21 Vì từ bên trong, từ lòng con người những  ý định xấu xuất ra như: Tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phạm thượng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó xuất ra từ bên trong và làm ô uế con người.”

Đối với độc giả, giáo huấn của Đức Giê-su là rõ ràng và dễ hiểu. Người nói về những điều làm cho con người ra ô uế về tâm linh. Còn các môn đệ để lại hiểu điều làm cho con người ra ô uế theo lề luật: cái gì được ăn, thức ăn nào không được ăn v.v… Bản văn mời gọi độc giả thanh tẩy lòng mình khỏi những điều xấu xa liệt kê ở 7,21-22. Các môn đệ bị la mắng là “ngu muội” và “không hiểu biết” để độc giả không rơi vào hoàn cảnh của các ông.

        d) Chai đá, có mắt không thấy, có tai không nghe (8,18)

Sang ch. 8, trong trình thuật về “bánh” và “men Hê-rô-đê”, Đức Giê-su đã trách các môn đệ nặng lời. Người thuật chuyện kể ở Mc 8,14-21: “14 Và các ông quên đem bánh theo; chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền. 15 Người căn dặn các ông rằng: ‘Anh em hãy chú ý, hãy coi chừng men của những người Pha-ri-sêu và men của Hê-rô-đê.’ 16 Các ông bàn tán với nhau là các ông không có nhiều bánh. 17 Biết thế, Người nói với họ: ‘Sao anh em lại bàn tán là anh em không có nhiều bánh? Anh em chưa nhận biết cũng chẳng hiểu ư? Sao lòng anh em vẫn còn chai đá thế? 18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao, 19 khi Thầy bẻ năm cái bánh cho năm ngàn người, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mảnh vụn?’ Các ông nói với Người: ‘Mười hai.’ 20 ‘Và với bảy cái bánh cho bốn ngàn người, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mảnh vụn?’ Các ông nói [với Người]: ‘Bảy.’ 21 Người nói với các ông: ‘Anh em chưa hiểu ư?’”

Bảy câu hỏi Đức Giê-su dành cho các môn đệ (8,17.18.19.20.21) làm lộ ra “khả năng hiểu biết” của các môn đệ. Trong bảy câu hỏi, các môn đệ chỉ vắn tắt trả lời hai câu bằng những con số: “Mười hai” (8,19) và “Bảy” (8,20). Lối hành văn ngắn gọn và sinh động của Tin Mừng Mác-cô làm nổi bật tình trạng của các môn đệ và giáo huấn của Đức Giê-su.

Đức Giê-su trách các môn đệ bằng bốn câu hỏi: (1) Anh em chưa nhận biết cũng chẳng hiểu ư? (8,17b). (2) Sao lòng anh em vẫn còn chai đá thế? (8,17c). (3) Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? (8,18a). (4) Anh em chưa hiểu ư? (8,21). Điều lạ trong bản văn là không có lời giải thích nào của các môn đệ, như thể người thuật chuyện để độc giả tự trả lời.

Đặc biệt, câu trách nặng lời: “Có mắt không thấy, có tai mà không nghe” (8,18) làm cho các môn đệ trở thành “người ở ngoài”. Đức Giê-su đã nói với các ông ở 4,11-12: “11 Mầu nhiệm Vương Quốc Thiên Chúa được ban cho anh em; nhưng những người kia là những kẻ ở ngoài thì mọi sự xảy đến trong các dụ ngôn, 12 để họ nhìn đi nhìn lại mà không thấy, nghe đi nghe lại mà không hiểu, kẻo họ trở lại và được tha thứ.” Nét châm biếm và hài hước là nhóm nhân vật “các môn đệ” bị đảo ngược từ “bên trong” ra “bên ngoài”. Đầu Tin Mừng, các môn đệ được Đức Giê-su lựa chọn, đưa “vào trong”, “để các ông ở với Đức Giê-su và để Người sai các ông đi rao giảng” (3,14). Điều phân biệt “người ở trong” với “những kẻ ở ngoài” là “nhìn đi nhìn lại mà không thấy, nghe đi nghe lại mà không hiểu” (4,12). Nhưng đến ch. 8, thì các môn đệ lại bị trách giống như “những kẻ ở ngoài”: “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (8,18). Điều trớ trêu là sau quá trình huấn luyện dài 4 chương (Mc 4–8), các môn đệ là “người ở trong” đã trở thành “người ở ngoài” vì “không nghe”, “không thấy”, “không hiểu”, “ngu muội”, “nhát đảm” và “cứng lòng”.

Tin Mừng Mác-cô vẽ nên bức tranh tương phản mạnh mẽ và độc đáo về nhóm nhân vật “các môn đệ”. Trước khi bước qua phần tìm hiểu ý nghĩa bức tranh này, hãy quan sát khuôn mẫu sự đảo ngược, từ “biết” thành “không biết”, nơi môn đệ Phê-rô, người đứng đầu Nhóm Mười Hai.

    3. Hành trình “đi xuống” của Phê-rô, Tông Đồ trưởng

Nếu nhìn từ góc độ “điểm yếu”, hành trình của nhân vật Phê-rô trong Tin Mừng Mác-cô là hành trình “đi xuống”, đi từ “trong” ra “ngoài”, đi từ “biết” đến “không biết”, với những nét tương phản mạnh mẽ. Điều này được minh hoạ qua hai sự kiện: (a) Phê-rô bị Đức Giê-su gọi là Xa-tan (8,33); (b) ông quả quyết không chối Thầy nhưng lại chối.

        a) “Hãy đi sau Thầy, Xa-tan” (8,33)

Phê-rô được Đức Giê-su kêu gọi từ ch. 1 và được nghe Đức Giê-su giảng dạy đến ch. 8. Khi Phê-rô vừa tuyên xưng ở 8,29: “Thầy là Đấng Ki-tô” thì ngay sau đó lại bị Đức Giê-su quở trách ở 8,33: “Hãy đi sau Thầy, Xa-tan, vì anh không suy nghĩ  theo suy nghĩ của Thiên Chúa, nhưng theo suy nghĩ của loài người.” Sau khi nghe Đức Giê-su báo trước biến cố Thương Khó và Phục Sinh (8,31), Phê-rô phản ứng bằng cách “kéo Người ra và bắt đầu trách Người” (8,32). Hành động này cho thấy ông hiểu không đúng tư cách Mê-si-a (Ki-tô) của Đức Giê-su. Phê-rô bị quở trách nặng nề vì ông là Tông Đồ trưởng mà đang làm công việc của Xa-tan và bị đồng hoá với Xa-tan, kẻ chống lại Thiên Chúa.

        b) Quả quyết không chối nhưng lại chối Thầy

Điểm yếu thứ hai của Phê-rô là khẳng định không bỏ Thầy, nhưng lại chối Thầy. Phê-rô quả quyết với Đức Giê-su trước các môn đệ khác ở 14,29: “Dù tất cả sẽ vấp ngã, nhưng con thì không.” Nhưng Đức Giê-su báo cho ông biết trước: “A-men, Thầy nói cho anh: Hôm nay, nội đêm nay, trước khi gà gáy hai lần, chính anh, anh đã chối Thầy ba lần” (14,30). Cứ sự thường, khi được báo trước thì sẽ tránh không làm, nghĩa là không chối, nhưng Phê-rô lại chối ba lần đúng như lời Đức Giê-su đã báo trước (14,66-72). Lối hành văn này nhấn mạnh sự yếu đuối của Phê-rô, đã được báo trước nhưng vì quá “nhát đảm” (từ Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 4,40) nên đã chối Thầy. Không phải chối 1 lần mà 3 lần nên không thể nói “lỡ chối” mà là cố tình chối.

Nếu muốn liệt kê hết các điểm yếu của các môn đệ trong Tin Mừng Mác-cô thì vẫn còn những chi tiết cho thấy các ông “chưa biết”, “chưa hiểu” rõ về Đức Giê-su. Điều quan trọng hơn cần tìm hiểu là điểm yếu của các môn đệ trong trình thuật có ý nghĩa gì cho độc giả.

    4. Môn đệ bị đưa ra “bên ngoài” để độc giả vào được “bên trong”

Qua những “điểm yếu” trên của nhóm “các môn đệ”, độc giả đừng vội chê các ông và tự hỏi: Tại sao các môn đệ lại chậm hiểu và cứng lòng tin như thế? Thực ra, khi trình bày các môn đệ từ tình trạng “ở trong” bị đưa “ra ngoài”, từ “biết Đức Giê-su” trở thành “không biết”, “không hiểu”, và Phê-rô cố ý chối Thầy, người thuật chuyện muốn nhắn gửi độc giả hai điều quan trọng:

1) Qua hành trình “đi xuống” của các môn đệ, độc giả nhận ra rằng: không phải môn đệ Đức Giê-su là đương nhiên hiểu được Người. Vậy đừng nghĩ rằng độc giả đã hiểu Đức Giê-su rồi, không cần tìm hiểu hay học hỏi gì thêm nữa. Các môn đệ sống với Đức Giê-su, được Người giáo huấn, mà chưa hiểu đúng về Người, thì độc giả cần học hỏi suốt cả đời để hiểu đúng về Đức Giê-su và về giáo huấn của Người. Nếu nghĩ rằng đã biết, đã hiểu Đức Giê-su là rơi vào tình trạng như các môn đệ trong Tin Mừng. Như thế, sự không hiểu biết của các môn đệ vừa là lời cảnh báo độc giả, vừa là lời mời gọi không ngừng học hỏi và suy gẫm lời Đức Giê-su.

2) Con người và căn tính Đức Giê-su là một huyền nhiệm. Những điều các môn đệ đã hiểu lầm, hiểu sai là để độc giả tránh và không hiểu sai như thế, không suy nghĩ và phản ứng như các môn đệ để không bị Đức Giê-su quở trách. Nhờ các môn đệ không hiểu, độc giả có những lời giải thích của Đức Giê-su. Những gì Người giải thích cho các môn đệ cũng là lời giải thích cho độc giả để độc giả hiểu đúng giáo huấn của Người. Vậy, các môn đệ “đi xuống” để độc giả có cơ may “đi lên”, nghĩa là “biết” đúng về Đức Giê-su và “hiểu” đúng giáo huấn của Người.

Cách trình bày độc đáo của Tin Mừng về nhân vật các môn đệ là “người ở trong” (insider) trở thành “người ở ngoài” (outsider) để độc giả biết cách trở thành “người ở trong”. Nói cách khác, “điểm yếu” của các môn đệ trở thành “điểm mạnh” của độc giả, vì nhờ đó độc giả có thể hiểu lời Đức Giê-su và trở thành môn đệ thực sự của Người. Độc giả được mời gọi làm “môn đệ”, “ở với Đức Giê-su” và được “Người sai đi rao giảng” (3,14). Có thể minh hoạ tiến trình “ở trong” và “ở ngoài” của các môn đệ và của độc giả theo sơ đồ sau:


Kiểu hành văn trên nhắm đến độc giả. Khi bắt đầu đọc Tin Mừng độc giả là “người ở ngoài” vì chưa biết Đức Giê-su, nhưng nhờ nhân vật các môn đệ không biết, không hiểu mà độc giả có cơ may biết đúng về Đức Giê-su và trở thành môn đệ của Người, nghĩa là trở thành “người ở trong”.

Kết luận

Phân tích “điểm yếu” của các môn đệ trong Tin Mừng Mác-cô không phải để đánh giá thấp sự hiểu biết của các môn đệ. Ngược lại các môn đệ Đức Giê-su, nhất là Nhóm Mười Hai, đã sống trọn vẹn niềm tin vào Đức Giê-su, đã can đảm làm chứng cho Người đến hy sinh mạng sống mình. Chính các Tông Đồ đã đặt nền tảng cho Hội Thánh tiên khởi. Lòng tin của các thế hệ tiếp theo dựa trên lời chứng của các Tông Đồ. Tuy vậy cách trình bày độc đáo về nhân vật các môn đệ trong Tin Mừng nói với độc giả nhiều điều quan trọng:

Đừng bao giờ nghĩ là đã biết Đức Giê-su, cần không ngừng học hỏi để biết đúng và hiểu đúng lời Người. Các môn đệ “không hiểu” dụ ngôn (4,13) để độc giả có thể “hiểu dụ ngôn”. Các môn đệ “nhát đảm, chưa có lòng tin” (4,40), để độc giả đừng sợ hãi và hãy tin. Các môn đệ “ngu muội” và “chưa thấu hiểu” (7,18), để độc giả có thể bớt ngu muội và thấu hiểu lời Đức Giê-su (7,18). Lòng các môn đệ còn “chai đá” (7,17), để lòng độc giả đừng chai đá. Các môn đệ “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (8,18), để độc giả thực sự thấy Đức Giê-su và nghe giáo huấn của Người. Phê-rô trở thành Xa-tan (8,33), để độc giả đừng là Xa-tan mà hãy là môn đệ thực sự của Đức Giê-su.  Phê-rô chối Thầy (14,68), để độc giả đừng chối dù bị bắt bớ và gian khổ vì Người.

Với những gợi ý trên, việc các môn đệ “đi xuống”, “đi ra ngoài” trong Tin Mừng Mác-cô, đáng để độc giả suy gẫm để “đi lên” và “đi vào trong”. Cách trình bày nhóm nhân vật “các môn đệ” như trên là độc đáo, thú vị và có ý nghĩa./.



5 nhận xét:

  1. Một bài học rất sâu sắc để chính bản thân mình đừng bị rơi vào tình cảnh là "outsider" khi ngỡ tưởng đang là " insider"... do sự " ngu muội", tự phụ của chính mình! Cám ơn Tác Giả từ những gì nhận được hôm nay nhé! Teresavothuong.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là cuộc sống tuy có nhiều nghịch lý và có nhiều điều xảy ra không như chúng ta tưởng, bởi đa số chúng ta không đánh vần hết chữ “ngờ”, nhưng điều kỳ diệu hơn lại là: mọi sự đều hữu ích với những kẻ yêu mến Thiên Chúa. Nhiều người trong cuộc đời đã trở thành vĩ nhân, đại thánh cũng nhờ kinh qua những bài học thăng trầm của bao thế hệ. Người như thế hẳn là kẻ khôn ngoan đã biết lợi dụng cái cũ, cái mới mà làm nên cái đẹp cho mình và cho đời.
    Cám ơn người thuật chuyện các môn đệ trong Tin Mừng Mác-cô thật sinh động và hấp dẫn, vì cái lẩn quẩn “vào-ra” và tưởng chừng như “hơi bị tối trí” của các ngài lại là bài học giúp chúng ta biết tránh những chướng ngại vật và tìm ra con đường gặp gỡ Thầy Giêsu. Bởi chung cuộc thì bằng ân sủng của Thánh Thần, các môn đệ đã sống trọn cuộc vượt qua của mình để trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu.
    Như thế, ngẫm nghĩ về những gì mà chúng ta đang đón nhận, chẳng còn ai dám tự phụ huyênh hoang về mình, bởi điều ta có hôm qua, hôm nay lại là điều ta chắt lọc được từ bao thế hệ…
    Cám ơn bài diễn giải rất sâu sắc về "điểm yếu" của các môn đệ trong TM Mác-cô và no tròn chữ “TÂM” của một người thầy, đã giúp con xác tín hơn về việc cần phải chuyên cần học hỏi và bén rễ sâu trong LỜI, chấp nhận được uốn nắn bởi LỜI, tựa như cành nho cần được cắt tỉa, để LỜI có thể thực đi vào cuộc sống và nhờ đó mọi hành động của chúng ta được phát sinh từ LỜI.

    Trả lờiXóa
  3. Con được khuyên là " Trong bất kỳ chuyện gì, chị cứ bám chặt vào Chúa"... Thế là con cứ nghĩ mình đã bám chặt vào Chúa rồi ! Đọc bài này của cha con nhận ra : con chỉ tưởng là con đang "bám chặt vào Chúa" thôi.
    Thật là một lời cảnh tỉnh đúng lúc cho con.
    Xin cám ơn cha.

    Trả lờiXóa
  4. Thưa Giáo sư, bài chia sẻ đã giúp cho mọi người thấy được Tin Mừng Macco rất gần gũi, dễ hiểu và đã trở thành những điểm rmạnh đối với người đọc. Nhưng ở phần hành trình đi xuống của Tông đồ Phero, Phero chỉ là con người bình thường và yếu đuối như bao con người khác nên ông có thể quên lời báo trước của Đức Giesu, sao có thể coi lời cảnh báo của Đức Giesu không có tác dụng???????

    Trả lờiXóa
  5. Lời Đức Giê-su báo trước Phê-rô sẽ chối Thầy, lẽ ra được báo trước thì tránh được, nhưng vẫn cứ chối. Vì thế, phản ứng của Phê-rô là biểu tượng cho sự yếu đuối của con người.
    Tuy nhiên đứng về phía độc giả, độc giả có thể xem lời báo trước của Đức Giê-su không có tác dụng: vì báo trước mà vẫn cứ chối. Cách kể chuyện như thế, vừa là lời cảnh báo cho độc giả, vừa là lời mời gọi độc giả hãy can đảm làm chứng cho Đức Giê-su và không chối Người như Phê-rô đã làm.
    Nếu giả như độc giả vì yếu đuối mà chối Đức Giê-su thì cũng hãy làm như Phê-rô: Hối cải và can đảm theo Thầy, sống và chết vì Thầy (Ga 21,18-19).

    Trả lờiXóa