27/03/2020

Sáu đặc điểm của thế gian thù ghét (TM Gio-an)



Bài viết tiếng Pháp:

Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Cập nhật, ngày 27 tháng 03 năm 2020.


Nội dung

Dẫn nhập
I. Thế gian thù ghét và những kẻ chống đối Đức Giê-su
    1. “Thế gian thù ghét” và “họ” (Ga 15–17)
    2. “Những người Do Thái” trong Tin Mừng
    3. “Thế gian thù ghét” ở Ga 7,1-10
II. Sáu đặc điểm của nhóm chống đối Đức Giê-su
    1. Ghét Đức Giê-su, các môn đệ và Chúa Cha
    2. Thuộc về thủ lãnh thế gian và quỷ
    3. Không biết Đức Giê-su và Cha của Người
    4. Không tin vào Đức Giê-su
    5. Có tội
    6. Được mời gọi tin và nhận biết Đức Giê-su
Kết luận




Dẫn nhập

Trong Tin Mừng Gio-an, nghĩa của từ “kosmos” (thế gian) phong phú và có nhiều ý nghĩa thần  học. Bài viết “Thế gian (kosmos) là gì, là ai?” đã trình bày năm nghĩa của từ “kosmos” (1) Thế gian vũ trụ, (2) thế gian trái đất, (3) thế gian nhân loại, (4) thế gian chưa tin và (5) thế gian thù ghét. “Thế gian thù ghét” gồm những ai giả thiết là đã nghe lời rao giảng về Đức Giê-su nhưng họ từ chối tin vào Người (Ga 15,18-24). Vậy “thế gian thù ghét” không phải là “thế gian nhân loại,” cũng không phải là “thế gian chưa tin.” Thế gian thù ghét là một nhóm nhỏ thuộc về thế gian chưa tin. Theo thần học Tin Mừng, thế gian thù ghét không có nghĩa tiêu cực, ngược lại, thế gian này là đối tượng sứ vụ của Đức Giê-su và của các môn đệ. Bài viết tìm hiểu sáu đặc điểm của thế gian thù ghét qua hai mục: (I) thế gian thù ghét và những kẻ chống đối Đức Giê-su; (II) sáu đặc điểm của nhóm chống đối Đức Giê-su.

I. Thế gian thù ghét và những kẻ chống đối Đức Giê-su

Đức Giê-su nói đến “thế gian thù ghét” ở Ga 14–17, nghĩa là sau khi Người kết thúc sứ vụ và trước trình thuật Thương Khó. Câu hỏi  đặt ra là thế gian này chỉ về nhóm người nào? Nếu dựa vào trình thuật Tin Mừng thì có hai hướng tìm hiểu khuôn mặt của thế gian này: (1) nếu lui về trước ch. 14–17, nghĩa là về quá khứ theo thời gian, thì thế gian thù ghét gợi đến những kẻ chống đối Đức Giê-su trong Ga 1–12; (2) nếu hướng về tương lai, nghĩa là lúc Tin Mừng được biên soạn vào cuối thế kỷ I, thì thế gian thù ghét gợi đến những kẻ chống đối và bách hại cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ thứ I. Tuy nhiên, không có nhiều dữ liệu trong Tin Mừng về hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn Gio-an. Nên bài viết tập trung tìm hiểu “thế gian thù ghét” và “những kẻ chống đối Đức Giê-su” trong Tin Mừng. Những gợi ý về hoàn cảnh cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ I sẽ được bàn đến khi cần thiết. Liên hệ giữa thế gian thù ghét và những kẻ chống đối được tìm hiểu qua ba điểm: (1) “thế gian thù ghét” (số ít) và “họ” (số nhiều) ở Ga 15–17; (2) “những người Do Thái” trong Tin Mừng; (3) “thế gian thù ghét” ở 7,1-10.

    1. “Thế gian thù ghét” và “họ” (Ga 15–17)

“Thế gian thù ghét” trong Ga 17 luôn ở số ít. Chẳng hạn Đức Giê-su nói với Cha của Người ở 17,14: “Con đã ban cho họ (các môn đệ) lời của Cha và thế gian (số ít) đã ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như chính Con không thuộc về thế gian.” (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư). Tuy nhiên, ở ch. 15–16, “thế gian” là danh từ số ít trong các câu 15,18.19; 16,8, lại chuyển thành đại từ số nhiều “họ” trong các câu 15,20-25; 16,9. Chẳng hạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,18: “Nếu thế gian (số ít) ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó (số ít) đã ghét Thầy trước.” Sau đó Đức Giê-su cũng nói về thế gian nhưng lại dùng đại từ số nhiều ở 15,20: “Nếu họ (số nhiều) đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ (số nhiều) đã giữ lời Thầy, họ cũng sẽ giữ lời anh em.”

Sự thay đổi từ số ít (thế gian) sang số nhiều (họ) trong hai câu 15,18 và 15,20b liên quan đến sự thù ghét và bách hại. Hai điều này đi đôi với nhau, nên “thế gian” và “họ” trong đoạn văn 15,20-25 nói về cùng một nhóm người. Ai là người đã bách hại Đức Giê-su trong Tin Mừng? Những trao đổi và tranh luận giữa Đức Giê-su và những kẻ chống đối trong phần Ga 1–12 giúp xác định đại từ “họ” ở 15,20-25. X. Léon-Dufour nói về sự chuyển đổi từ “thế gian” (số ít) sang “họ” (số nhiều) như sau: “Kể từ c. 20, đại từ ‘họ’ không xác định, thay thế từ ‘thế gian’. Trong đoạn văn tiếp theo (15,22-25) đại từ ‘họ’ này hàm ẩn, cách mặc nhiên, đến những người đương thời với Đức Giê-su Na-da-rét. Người ta nhận ra cách gián tiếp rằng, tên gọi ‘những người Do-thái’ trong phần đầu của Tin Mừng là phù hợp với đại từ ‘họ’, khi tên gọi này là tiêu cực, theo nghĩa từ ‘thế gian’ trong các diễn từ từ biệt. Tên gọi này (những người Do-thái) diễn tả sự từ chối khuôn mẫu trước mặc khải của Người Con.” (X. Léon-Dufour, Lecture de l’Évangile selon Jean, t. III, Paris, Le Seuil, 1993, p. 193).

Giải thích trên giúp nối kết giữa hai phần của sách Tin Mừng (Ga 1–12 và Ga 13–17) về sự xung đột và bách hại. Tuy nhiên đại từ “họ” không chỉ gợi đến “những người Do Thái” như X. Léon-Dufour đã viết, mà là gợi về thế lực chống đối nói chung trong Ga 1–12, gồm các nhóm: “những người Do Thái”, “những người Pha-ri-sêu”, “các thượng tế” và “đám đông” ở 7,20. Hơn nữa, cách dùng đại từ “họ” ở 15,20-25; 16,9 còn cho phép giải thích hướng về tương lai, gợi đến hoàn cảnh cộng đoàn Gio-an. “Họ” là tất cả những người, đã nghe rao giảng về Đức Giê-su, nhưng chối tin và bách hại cộng đoàn. Tuỳ theo hoàn cảnh, độc giả có thể xác định “họ” là ai dựa trên sáu đặc điểm mô tả trong bài viết.

    2. “Những người Do Thái” trong Tin Mừng

Nhóm nhân vật “những người Do Thái” (Ioudaioi) thường xuất hiện trong Tin Mừng. Nhóm này xuất hiện cách lạ thường trong các trình thuật đã đặt ra nhiều vấn đề khó giải thích liên quan đến câu hỏi: những người Do Thái trong Tin Mừng là ai? Không thể xem họ là một nhóm nhân vật độc lập, phân biệt rõ ràng với nhóm “những người Pha-ri-sêu” hay “các thượng tế”. G. Caron nhận định: “Có thể nói, những người Do-thái hiện diện trong bản văn như một thái độ, một tinh thần, một tôn giáo, hay có thể gọi là một thứ Do Thái giáo mà người ta có thể tìm thấy khắp nơi, nhưng nổi bật nơi những người Pha-ri-sêu và các thượng tế trong trình thuật.” (G. Caron, Qui sont les Juifs dans l’évangile de Jean?, Québec, Bellarmin, 1997, p. 263-264).

Tin Mừng còn cho thấy tương phản giữa “các môn đệ” và “những người Do Thái” liên quan đến quyết định “tin” hay “không tin” vào Đức Giê-su. Thực vậy, Đức Giê-su và các môn đệ là những người gốc Do Thái, nhưng người thuật chuyện giữ khoảng cách với “những người Do Thái” khi viết: “Lễ Vượt Qua của những người Do-thái” (2,13; 11,55); “lễ của những người Do-thái” (5,1; 7,2). Kiểu nói này hàm ẩn đó không phải là lễ của Ki-tô hữu. Khi tin vào Đức Giê-su thì “người tin” phân biệt với “những người Do Thái”. Các môn đệ thuộc dân tộc Do Thái lại sợ những người Do Thái (20,19). Từ những quan sát trên, có thể rút ra hai điều liên quan đến “những người Do Thái” trong Tin Mừng:

(1) Ở một số nơi trong Tin Mừng, kiểu xưng hô “những người Do Thái” có nghĩa là dân tộc Do Thái, hay còn gọi là “những người Giu-đê” (Ioudaioi). Cuộc trao đổi giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri nói về người Do Thái theo nghĩa trên. Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Làm sao Ông là người Do Thái lại xin tôi nước uống, mà tôi là một phụ nữ Sa-ma-ri?” (4,9a). Người thuật chuyện giải thích ở 4,9b: “Vì người Do Thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri.” Đức Giê-su là người Do Thái, các môn đệ cũng vậy. Khi trao đổi về nơi thờ phượng, Đức Giê-su nói với người phụ nữ Sa-ma-ri ở 4,22: “Các người, các người thờ phượng điều các người không biết; chúng tôi, chúng tôi thờ phượng điều chúng tôi biết, vì ơn cứu độ đến từ người Do Thái.” Đức Giê-su thuộc dân tộc Do Thái nên ơn cứu độ đến từ người Do Thái.

(2) Trong Tin Mừng, sự thù ghét của “những người Do Thái” trong Ga 1–12 chuyển sang sự thù ghét của thế gian (kosmos) trong Ga 14–17. Điều này gợi đến xung đột giữa Do Thái giáo và cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ thứ I. Cộng đoàn này đang gặp sự chống đối và bị thù ghét, không chỉ từ phía Do Thái giáo, mà còn từ đế quốc Rô-ma thời bấy giờ. Hơn nữa nhóm nhân vật “những người Do Thái” trong Tin Mừng còn có nghĩa biểu tượng. Họ là hình ảnh những kẻ bách hại người tin qua mọi thời đại. Xem phân tích nhân vật “những người Do Thái” trong Nghe và thấy trong Tin Mừng Gio-an, 2019, tr. 167-189.

    3. “Thế gian thù ghét” ở Ga 7,1-10

Đoạn văn 7,1-10 cho phép nối kết “những người Do Thái” với “thế gian thù ghét.” Nhóm “những người Do Thái” trong Tin Mừng biểu tượng cho sự không tin và đối lập với Đức Giê-su và các môn đệ. Người thuật chuyện kể ở 7,1-10: “1 Sau những điều đó, Đức Giê-su đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì những người Do Thái tìm Người để giết. 2 Lễ Lều, lễ của những người Do Thái gần tới, 3 Vậy anh em của Người nói với Người: ‘Ông hãy rời khỏi đây mà đi sang Giu-đê, để cả các môn đệ của Ông cũng thấy những việc Ông làm, 4 vì không ai làm trong sự kín đáo khi tìm kiếm trong sự công khai. Nếu Ông làm những việc ấy, hãy tỏ mình ra cho thế gian.’ 5 Thật thế, anh em của Người không tin vào Người. 6 Đức Giê-su nói với họ: ‘Thời của Tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng sẵn đó. 7 Thế gian không thể ghét các anh, nhưng Tôi thì nó ghét, vì Tôi làm chứng về nó là các việc của nó thì xấu xa. 8 Các anh hãy lên dự lễ; còn Tôi, Tôi không lên dự lễ này, vì thời của Tôi chưa tròn đầy.’ 9 Nói những điều ấy xong, Người ở lại Ga-li-lê. 10 Nhưng khi anh em của Người đã lên dự lễ, thì Người cũng lên, không công khai nhưng [hầu như] bí mật.”

Câu mở đầu (7,1) cho biết tại sao Đức Giê-su giới hạn hoạt động tại Ga-li-lê. Tiếp đến là lời đề nghị không thích hợp của anh em Đức Giê-su (7,3-4) và Người trả lời họ ở 7,6-8. Cuối đoạn văn (7,9-10), người thuật chuyện cho biết quyết định của Đức Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem cách kín đáo nhân dịp lễ Lều. Ngoài các ch. 15–17, sự thù ghét của thế gian chỉ được nói đến ở 7,7 trong bối cảnh đặc biệt: Người tránh đi lại trong vùng Giu-đê “vì những người Do Thái tìm Người để giết” (7,1b). Nhân dịp lễ Lều, anh em Đức Giê-su đề nghị Người “tỏ mình ra cho thế gian” (7,4b). Đối với anh em của Đức Giê-su, “tỏ mình ra cho thế gian” (7,4b) tương phản với hành động “trong kín đáo” (7,4a). Đối với Đức Giê-su, Người không muốn tỏ mình ra ở vùng Giu-đê vì sự bách hại của những người Do Thái (7,1b).

Đức Giê-su giải thích cho anh em của Người ở 7,7: “Thế gian không thể ghét các anh, nhưng Tôi thì nó ghét, vì Tôi làm chứng về nó là các việc của nó thì xấu xa.” Bối cảnh đoạn văn 7,1-10 cho phép hiểu sự thù ghét của thế gian (7,7) bộc lộ qua việc những người Do Thái tìm giết Đức Giê-su (7,1b). Nên sự thù ghét của thế gian (7,7) chính là sự bách hại của những người Do Thái (7,1). Trong mạch văn, tỏ mình ra cho thế gian (7,4b) tương đương với tỏ mình ra cho giới lãnh đạo Do Thái (7,1b), nghĩa là ra khỏi nơi an toàn và đối đầu với nguy cơ bị giết chết. Hai lần (7,4.7) từ “thế gian” (kosmos) trong đoạn văn 7,1-10 được hiểu theo nghĩa “thế gian thù ghét”. Cùng với “thế gian thù ghét” và “những người Do Thái” trên đây, “những người Pha-ri-sêu” và “các thượng tế” trong Tin Mừng làm thành nhóm chống đối Đức Giê-su với sáu đặc điểm chung.

II. Sáu đặc điểm của nhóm chống đối Đức Giê-su

Nhóm chống đối Đức Giê-su và các môn đệ trong Tin Mừng bao gồm những nhóm đã nêu trên với sáu đặc điểm: (1) ghét Đức Giê-su, các môn đệ và Chúa Cha; (2) thuộc về thủ lãnh thế gian và quỷ; (3) không biết Đức Giê-su và Cha của Người; (4) không tin vào Đức Giê-su; (5) có tội; (6) được mời gọi tin và nhận biết Đức Giê-su.

    1. Ghét Đức Giê-su, các môn đệ và Chúa Cha

Đặc điểm ghét Đức Giê-su, các môn đệ và Chúa Cha được trình bày qua hai điểm: (1) ghét minh nhiên đối với thế gian (ch. 15–17) và (2) ghét mặc nhiên đối với những kẻ chống đối (ch. 1–12).

(1) Đức Giê-su cho biết thế gian ghét Đức Giê-su (15,18), Chúa Cha (15,23-24) và các môn đệ (15,18-19; 17,14). Người nói với các môn đệ ở 15,18-19: “18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Nếu anh em thuộc về thế gian, thế gian đã yêu thích cái gì là của riêng nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, vì điều này, thế gian ghét anh em.” Trước đây, thế gian đã ghét Đức Giê-su trong sứ vụ công khai ở 7,7 (xem phân tích trên). Khi ghét Đức Giê-su, thế gian ghét cả Chúa Cha. Đức Giê-su cho các môn đệ biết ở 15,23-24: “23 Ai ghét Thầy cũng ghét Cha của Thầy. 24 Nếu Thầy không làm những việc giữa họ, những điều không một ai khác đã làm, họ đã chẳng có tội. Nhưng nay họ đã thấy và họ ghét cả Thầy lẫn Cha của Thầy.” Thù ghét tỏ lộ ra bên ngoài bằng sự bách hại. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,20b: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã giữ lời Thầy, họ cũng sẽ giữ lời anh em.”

(2) Về những kẻ chống đối trong Ga 1–12, họ không phải là chủ từ của động từ “ghét”, nhưng sự thù ghét bộc lộ qua hành động tìm giết Đức Giê-su. Họ tranh luận và kết tội Người về nhiều điều. Chẳng hạn họ kết tội Đức Giê-su vi phạm ngày Sa-bát (5,18; 7,23; 9,16) và phạm thượng (10,33). Những người Do Thái nói với Đức Giê-su ở 10,33: “Không phải vì một việc tốt đẹp chúng tôi ném đá Ông, nhưng vì sự phạm thượng: Ông là người mà cho mình là Thiên Chúa.” Những kẻ đối lập vu khống là Đức Giê-su bị quỷ ám (7,20; 8,48.52; 10,20.21), là người Sa-ma-ri (8,48). Vì chống đối và thù ghét, họ không ngừng tìm cách “bắt” (7,30; 10,39), “ném đá” (8,59; 10,31.32.33) và “giết chết” Đức Giê-su (5,18; 7,1; 8,37.40). Trong Ga 1–12, nhóm “các thượng tế” không tranh luận trực tiếp với Đức Giê-su; tuy nhiên, nhóm này và những người Pha-ri-sêu đã chính thức quyết định giết Đức Giê-su (11,53). Tiếng la hét của những người Do Thái và các thượng tế trước Phi-la-tô về Đức Giê-su: “Hãy đóng đinh vào thập giá, hãy đóng đinh vào thập giá” (19,6.15) bộc lộ sự thù ghét qua “những việc xấu xa” (3,19; 7,7). Theo thần học Tin Mừng, việc đó là giết Đức Giê-su. Tóm lại, thế gian thù ghét và những kẻ chống đối có chung đặc điểm là bách hại và thù ghét Đức Giê-su và các môn đệ.

    2. Thuộc về thủ lãnh thế gian và quỷ

Trong khung cảnh vụ kiện, đứng về phía nào, thuộc về ai là lựa chọn mang tính quyết định. Nội dung Tin Mừng được trình bày như một vụ kiện giữa ánh sáng và bóng tối. Đề tài “thuộc về ai” giúp phân biệt giữa người có sự sống và kẻ bị hư mất. Các môn đệ tin vào Đức Giê-su nên thuộc về Người và thuộc về Thiên Chúa nên có sự sống đời đời. Những ai lựa chọn thuộc về  quỷ hay thuộc về thủ lãnh thế gian thì dẫn đến sự chết và hư mất.  Đề tài “thuộc về ai” được trình bày qua hai điểm: (1) thuộc về thế gian và thủ lãnh thế gian, (2) thuộc về quỷ.

(1) Trong ch. 15–17, vấn đề cần làm rõ là “thuộc về thế gian” hay “không thuộc về thế gian”. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 15,19: “Nếu anh em thuộc về thế gian, thế gian đã yêu thích cái gì là của riêng nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, vì điều này, thế gian ghét anh em.” Người nói với Cha của Người ở 17,16: “Họ (các môn đệ) không thuộc về thế gian cũng như chính Con không thuộc về thế gian.” Thế gian thù ghét này có thủ lãnh mà Tin Mừng gọi là “thủ lãnh của thế gian”. Ba lần “thủ lãnh thế gian” xuất hiện trong Tin Mừng (12,31b; 14,30; 16,11) đều có liên hệ với “thế gian thù ghét” (12,31a; 14,31; 16,8):

(a) Lần thứ nhất trong ch. 12, Đức Giê-su nói với đám đông ở 12,31-32: “31 Bây giờ sự xét xử thì dành cho thế gian này, bây giờ thủ lãnh thế gian này sẽ bị tống ra ngoài. 32 Phần Tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” Người thuật chuyện giải thích trong câu tiếp theo ở 12,33: “Người (Đức Giê-su) nói điều này để cho biết cái chết nào Người sẽ chết.” Như thế, giờ chết của Đức Giê-su là giờ xét xử dành cho thế gian và là giờ thủ lãnh thế gian bị thất bại, “bị tống ra ngoài” (12,31b).

(b) Lần thứ hai trong ch. 14, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,30-31a: “30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa vì thủ lãnh của thế gian đang đến. Nó không có gì trên Thầy, 31a nhưng để thế gian biết rằng: Thầy yêu mến Cha và như Cha đã truyền cho Thầy thế nào, Thầy làm như vậy.” Việc thủ lãnh thế gian “đến”, trùng khớp với Giờ của Đức Giê-su. Đó là lúc thủ lãnh thế gian bày tỏ quyền lực đen tối qua việc đóng đinh Đức Giê-su. Tuy nhiên, theo Đức Giê-su, đó là lúc mà thế gian thù ghét có cơ may để biết rằng Người yêu mến Chúa Cha và Người thực hiện ý định của Cha.

(c) Lần cuối cùng trong đoạn văn 16,8-11. Đức Giê-su nói với các môn đệ về hoạt động của Đấng Pa-rác-lê ở 16,11: “Về sự xét xử: Thủ lãnh của thế gian này đã bị xét xử.” Đấng Pa-rác-lê xác định tội của thế gian thù ghét và sự xét xử dành cho thủ lãnh thế gian. Điều châm biếm về thủ lãnh thế gian là ba lần xuất hiện trong Tin Mừng nói về thủ lãnh thế gian “đến” (14,30) để bị xét xử (16,11), nghĩa là “bị loại ra ngoài” (12,31). Như thế, thế gian thù ghét thuộc về thủ lãnh của thế gian và cả hai sẽ hoàn toàn bị thất bại. (Xem phân tích 16,9-11 trong  ĐẤNG PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật, tr. 216-270).

(2) Nếu “thủ lãnh thế gian” (12,31; 14,30; 16,11) là kẻ đứng đầu thế gian thù ghét, thì quỷ là cha của những người Do Thái như Đức Giê-su nói với họ ở 8,44: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông. Ngay từ đầu, nó đã là kẻ sát nhân, và nó đã  không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói, nó nói theo bản tính của nó là sự gian dối, vì nó là kẻ nói dối, và là cha của sự gian dối.” Lý do làm những người Do Thái có quỷ là cha là vì họ đang “làm công việc của quỷ” là tìm giết Đức Giê-su (8,37.40). Lựa chọn thuộc về quỷ dẫn đến hậu quả trầm trọng. Những người Do Thái trong đoạn văn 8,31-44 không có Áp-ra-ham là cha (8,39), cũng chẳng có Thiên Chúa là Cha (8,41-42) như họ đòi hỏi (8,33.41). Đề tài “thuộc về ai” được làm rõ khi Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,47: “Ai thuộc về Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa. Vì điều này mà các ông không nghe, đó là các ông không thuộc về Thiên Chúa” (8,47). Tình trạng “không thuộc về Thiên Chúa” làm cho họ mất khả năng “nghe” và “hiểu” lời Đức Giê-su nói (8,43).

Thế gian thù ghét và những kẻ đối lập trong Tin Mừng đã lựa chọn thuộc về thế lực bóng tối: quỷ (8,44), thủ lãnh thế gian này (12,31; 14,30; 16,11), Xa-tan (13,27) và Ác thần (17,15). Nói đúng hơn họ đã bị thế lực sự dữ lừa dối và điều khiển. Họ rơi vào tình trạng này là do không biết Đức Giê-su và Cha của Người.

    3. Không biết Đức Giê-su và Cha của Người

Không biết Đức Giê-su và Cha của Người là đặc điểm của (1) thế gian thù ghét (ch. 15–17) và (2) của những kẻ chống đối Đức Giê-su trong sứ vụ của Người (ch. 1–12).

(1) Thế gian thù ghét và bách hại các môn đệ, bởi vì thế gian này không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Đức Giê-su. Người nói với các môn đệ ở 15,20-21: “20 Hãy nhớ lại lời chính Thầy đã nói với anh em: ‘Tôi tớ không lớn hơn chủ của nó.’ Nếu họ (thế gian) đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã giữ lời Thầy, họ cũng sẽ giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy cho anh em vì danh của Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy”; và ở 16,2-3: “2 Họ (thế gian) sẽ làm cho anh em thành những người bị khai trừ khỏi hội đường. Sẽ đến giờ, kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm những điều đó vì họ đã không biết Cha cũng chẳng biết Thầy.” Đại từ “họ” trong các trích dẫn trên là thế gian thù ghét ở 15,18-19. Trong ch. 17,  Đức Giê-su nói với Cha của Người về sự không biết của thế gian ở 17,25: “Lạy Cha, Đấng Công Chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con, Con biết Cha, và những người này (các môn đệ) đã biết rằng: Chính Cha đã sai Con.” Như thế, “không biết Đức Giê-su và Chúa Cha” (15,21; 16,3; 17,25) là một trong những đặc điểm của thế gian thù ghét.

(2) Những kẻ chống đối Đức Giê-su trong Ga 1–12 cũng có đặc điểm như thế gian thù ghét. Trong ch. 7, một số người Giê-ru-sa-lem thắc mắc với nhau ở 7,27: “Nhưng Ông ấy (Đức Giê-su), chúng ta biết Ông ấy từ đâu đến; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến, chẳng ai biết Người từ đâu đến.” Người thuật chuyện kể tiếp ở 7,28-29: “28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su kêu lên và nói: ‘Các ông biết Tôi và các ông biết Tôi từ đâu đến. Tôi không tự mình mà đến, nhưng Đấng đã sai Tôi là Đấng chân thật, Đấng mà các ông không biết. 29 Phần Tôi, Tôi biết Người, vì Tôi ở bên Người và chính Người đã sai Tôi.” Ở đây, Đức Giê-su giảng dạy ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem trong bối cảnh xung đột và tranh luận với những người Do Thái, với đám đông và với những người Pha-ri-sêu. Đức Giê-su cho thính giả biết là họ không biết Đấng đã sai Người (7,28b). Trong ch. 8, những người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su ở 8,19a: “Cha của Ông ở đâu?” Người trả lời ở 8,19b: “Các ông không biết Tôi, cũng chẳng biết Cha của Tôi. Nếu các ông biết Tôi, các ông cũng biết Cha của Tôi,” Tóm lại, thế gian thù ghét và những kẻ chống đối đã hoàn toàn không biết Đức Giê-su và Cha của Người.

    4. Không tin vào Đức Giê-su

Đức Giê-su cho biết (1) thế gian thù ghét không tin (ch. 15–16) và (2) những kẻ chống đối không tin vào Người (ch. 1–12).

(1) Ở 15,22-24, Đức Giê-su cho các môn đệ biết là thế gian thù ghét không đón nhận giáo huấn của Người và không nhận biết Người qua những dấu lạ. Điều này cho thấy thế gian thù ghét không tin. Trong ch. 16, Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 16,8-9: “8 Khi Đấng ấy (Đấng Pa-rác-lê) đến, Người sẽ chứng minh thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về sự xét xử. 9 Về tội: Họ không tin vào Thầy...” Lựa chọn không tin là tội dẫn đến sự chết. Đây là “tội” theo nghĩa thần học. Không tin vào Đức Giê-su đồng nghĩa với không có sự sống đời đời.

(2) Về phía những kẻ chống đối trong Ga 1–12, nhiều lần Đức Giê-su cho biết họ không tin. Trong ch. 5, Đức Giê-su kết tội những người Do Thái ở 5,37-38: “37 Cha, Đấng đã sai Tôi, chính Người đã làm chứng về Tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng của Người, cũng chẳng thấy tôn nhan của Người; 38 và các ông không có lời của Người ở lại trong các ông, vì Đấng Người đã sai đến, chính các ông không tin vào Đấng ấy.” Tình hình vẫn không tốt hơn trong cuộc tranh luận cuối cùng giữa Đức Giê-su và những người Do Thái trong ch. 10. Người thuật chuyện kể ở 10,24-26: “24 Vậy những người Do Thái vây quanh Người (Đức Giê-su) và nói với Người: ‘Ông cầm giữ mạng sống của chúng tôi cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, hãy nói rõ ràng cho chúng tôi.’ 25 Đức Giê-su trả lời họ: ‘Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc chính Tôi làm nhân danh Cha Tôi, những điều đó làm chứng cho Tôi. 26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên của Tôi.’” Hai lần Đức Giê-su nói về những người Do Thái là “các ông không tin” (10,25b.26a), đây là lý do họ không hiểu lời Đức Giê-su. Ở ch. 12, người thuật chuyện nhận xét ở 12,37a: “Người (Đức Giê-su) đã làm quá nhiều dấu lạ trước mặt họ, họ không tin vào Người.” Đại từ “họ” trong câu này nói về tất cả những ai không tin vào Đức Giê-su trong sứ vụ của Người, đặc biệt là những kẻ chống đối. Tóm lại, phía đối lập với Đức Giê-su và các môn đệ là thế gian thù ghét và những kẻ chống đối đã không tin vào Đức Giê-su. 

    5. Có tội

Theo thần học Tin Mừng, từ chối tin vào Đức Giê-su là có tội. Bản văn nói rõ về (1) tội của thế gian thù ghét (ch. 15–16) và (2) tội của những kẻ chống đối Đức Giê-su (ch. 1–12).

(1) Tội của thế gian thù ghét là tội không thể bào chữa được. Đức Giê-su cho các môn đệ biết ở 15,22-24: “22 Nếu Thầy không đến và nói với họ (thế gian), họ đã chẳng có tội. Nhưng bây giờ, họ không thể bào chữa tội của họ được. 23 Ai ghét Thầy cũng ghét Cha của Thầy. 24 Nếu Thầy không làm những việc giữa họ, những điều không một ai khác đã làm, họ đã chẳng có tội. Nhưng nay họ đã thấy và họ ghét cả Thầy lẫn Cha của Thầy.” Giả thiết không có thật: “họ đã chẳng có tội” được lặp lại 2 lần (15,22b.24b) khẳng định sự thật là họ có tội và không thể bào chữa tội của họ được (15,22c). Trong ch. 16, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ở vai trò của Đấng Pa-rác-lê ở 16,8-9: “8 Khi Đấng ấy (Đấng Pa-rác-lê) đến, Người sẽ chứng minh thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về sự xét xử. 9 Về tội: Họ không tin vào Thầy...” Tội của thế gian thù ghét là không tin vào Đức Giê-su.

(2) Những kẻ chống đối Đức Giê-su trong phần Ga 1–12 cũng có tội vì đã không tin. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 8,23-24: “23 Các ông, các ông thuộc về hạ giới; còn Tôi, Tôi thuộc về thượng giới. Các ông, các ông thuộc về thế gian này; còn Tôi, Tôi không thuộc về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ chết trong tội của các ông. Vì nếu các ông không tin rằng: Tôi Là, các ông sẽ chết trong tội của các ông.” Tình trạng của con người là “thuộc về hạ giới” (8,23a), nếu như con người không quyết định “sinh ra một lần nữa” (3,3.7), nghĩa là “sinh ra bởi trên”, “sinh ra bởi nước và Thần Khí” (3,5), thì sẽ chết trong tội của mình. Cuối trình thuật anh mù từ thuở mới sinh được thấy trong ch. 9, Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu ở 9,41: “Nếu các ông là những người mù, các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn.” Những người Pha-ri-sêu thấy Đức Giê-su về thể lý nhưng họ không tin vào Người, nên họ vẫn ở trong tội của họ. Vậy đặc điểm của thế gian thù ghét và những kẻ chống đối là có tội không tin.  

    6. Được mời gọi tin và nhận biết Đức Giê-su

Sau năm đặc điểm xem ra tiêu cực, đặc điểm thứ sáu có ý nghĩa tích cực. (1) Thế gian thù ghét và (2) những kẻ chống đối được mời gọi tin vào Đức Giê-su và nhận biết Người là ai.

(1) Về thế gian thù ghét, Đức Giê-su nói với Cha của Người ở 17,20-23: “20 Con không chỉ can thiệp cho những người này, nhưng còn cho những người tin vào Con nhờ lời của họ, 21 để tất cả nên một, lạy Cha, như Cha trong Con và Con trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. 22 Phần Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con, Con đã ban cho họ để họ nên một như Chúng Ta là Một; 23 Con trong họ và Cha trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; để thế gian nhận biết rằng: Chính Cha đã sai Con và Cha đã yêu mến họ như đã yêu mến Con.”

Ở 17,20, Đức Giê-su can thiệp cho các môn đệ sẽ tin trong tương lai. Họ là những người tin vào Đức Giê-su nhờ lời rao giảng của các môn đệ. Trong ch. 17, thế gian ở 17,21b.23b là thế gian không tin. Nhưng thế gian này được mời gọi tin (để thế gian tin rằng...) và nhận biết (để thế gian nhận biết rằng...) nhờ sự hiệp nhất giữa các môn đệ với nhau (“để tất cả nên một”), hiệp nhất với Đức Giê-su và với Chúa Cha (“để họ cũng ở trong Chúng Ta”). Sự hiệp nhất “hoàn toàn nên một” (17,23b) này có khả năng làm cho thế gian “tin” (17,21d) và “biết” (17,23c) là Chúa Cha đã sai Đức Giê-su và Chúa Cha đã yêu mến các môn đệ như đã yêu mến Đức Giê-su (17,23d). Theo Tin Mừng, giờ chết là giờ Đức Giê-su bày tỏ tình yêu dành cho những kẻ thuộc về Người (13,1) và dành cho Cha của Người (14,31). Đức Giê-su muốn thế gian khám phá ra ý nghĩa cái chết vì tình yêu của Người khi nói với các môn đệ ở 14,30-31a: “30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa vì thủ lãnh của thế gian đang đến. Nó không có gì trên Thầy, 31a nhưng để thế gian biết rằng: Thầy yêu mến Cha và như Cha đã truyền cho Thầy thế nào, Thầy làm như vậy.”  

(2) Những kẻ chống đối Đức Giê-su trong Ga 1–12 cũng được Đức Giê-su mời gọi tin. Người tuyên bố với những người Do Thái ở 8,28: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng Tôi Là, và Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Tôi nói những điều ấy như Cha đã dạy Tôi.” Khi Đức Giê-su được giương cao trên thập giá, những kẻ chống đối có thể nhận ra căn tính của Đức Giê-su (“Tôi Là”) và nguồn mạch sứ vụ của Người là từ nơi Chúa Cha (“nói những điều Cha đã dạy”). Mở đầu đoạn văn 8,31-59, Đức Giê-su mời gọi những người Do Thái trở thành môn đệ đích thực ở 8,31b-32: “31b Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi các ông thực sự là môn đệ của Tôi, 32 các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Ngay giữa lúc tranh luận gay gắt và nặng lời trong đoạn văn 8,31-59, Đức Giê-su đề nghị với những người Do Thái ở 8,51: “A-men, a-men, Tôi nói cho các ông: Nếu ai giữ lời Tôi sẽ không thấy sự chết đời đời.”

Tóm lại, Đức Giê-su quan tâm đến thế gian thù ghét và những kẻ chống đối. Người mời gọi họ khám phá ra sự thật mặc khải để tin và đón nhận sự sống Người ban tặng.

Kết luận

Sáu đặc điểm của “thế gian thù ghét” và “những kẻ chống đối Đức Giê-su” trên đây (1) vừa gợi đến những thực tại lịch sử, (2) vừa có nghĩa biểu tượng, (3) vừa có giá trị giáo huấn.

(1) Những gợi ý lịch sử liên quan đến những người chống đối Đức Giê-su và bắt bớ các môn đệ trước biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Thế gian thù ghét ở Ga 14–17, tiếp nối sự bách hại của những kẻ chống đối Đức Giê-su trong Ga 1–12. Đó là những người Do Thái ở Pa-lét-tin, họ đã nghe lời Đức Giê-su giảng dạy, đã thấy những dấu lạ Người làm, nhưng vẫn không tin. Họ là một nhóm người cụ thể trong Tin Mừng. Tuy nhiên, việc dùng từ “thế gian” (kosmos) để nói về sự thù ghét bao hàm nghĩa rộng hơn, họ không chỉ là những người Do Thái chống đối vào thời Đức Giê-su trong Ga 1–12 mà còn gợi đến hoàn cảnh cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ I. Cộng đoàn đang gặp thử thách và bách hại đến từ hai phía: từ phía những người Pha-ri-sêu và những người Do Thái (Do Thái giáo) và từ phía dân ngoại (đế quốc Rô-ma).

(2) Về nghĩa biểu tượng, “thế gian thù ghét” gợi đến tất cả những ai từ chối tin vào Đức Giê-su và ghét các môn đệ của Người trong suốt dòng lịch sử. Cộng đoàn tín hữu và độc giả có thể áp dụng hoàn cảnh cụ thể để biết “thế gian thù ghét” là ai. Theo định nghĩa trong Tin Mừng, họ là người đã biết đến giáo huấn của Đức Giê-su nhưng đã lựa chọn không tin vào Người và bách hại các môn đệ (15,18–16,4a). Tuy vậy, các môn đệ không thất vọng về những kẻ chống đối vì sáu đặc điểm trên có giá trị giáo huấn.

(3) Về hình thức, năm đặc điểm đầu có vẻ tiêu cực, nhưng thực ra chúng có giá trị giáo huấn. Ở cấp độ mặc khải, Đức Giê-su không lên án thế gian thù ghét và những kẻ chống đối. Qua năm đặc điểm đầu, lời Đức Giê-su giúp người nghe ý thức hậu quả trầm trọng của lựa chọn không tin. Từ đó chú trọng đến đặc điểm quan trọng và tích cực là đặc điểm thứ sáu. Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người tin vào Người. Lời mời gọi này luôn có giá trị và cánh cửa vẫn luôn mở rộng cho thế gian thù ghét và những kẻ đối lập. Về phía người tin, sống hiệp nhất với nhau và hiệp thông với Đức Giê-su là lời chứng mạnh mẽ để nhờ đó thế gian thù ghét có cơ may nhận biết và tin./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét